Sau khi sinh nở, Wang Lan trở về
nhà với một bé gái sơ sinh và nhau thai của cô, thứ mà cô sẽ ăn cùng với súp,
một việc chẳng hề lạ lẫm trong y học cổ truyền Trung Quốc.
|
Nhưng viên thuốc
nhau thai ở Trung Quốc. Ảnh:
Bussinessinsider/Flickr |
Nhau thai được cho là có lợi cho
sức khỏe và những lời truyền miệng về tác dụng của nó đang bắt đầu râm ran ở
những nước phương Tây, nơi cũng đã có người tin rằng nó có thể giúp tránh được
sự suy nhược sau khi sinh nở, cải thiện nguồn sữa và tăng cường sinh lực.
Việc ăn nhau thai của một đứa trẻ
sau khi được sinh ra thực ra khá phổ biến suốt hơn 2.000 năm qua ở Trung Quốc,
nơi mà nhiều người nghĩ rằng nó có thể giúp chống lão hóa.
"Nó giờ đang ở trong tủ lạnh còn
tôi thì đang chờ mẹ đến và nấu ăn. Sau khi rửa sạch, nó có thể được ninh nhừ để
làm súp mà không còn mùi như mùi cá nữa", Wang nói, và cho biết thêm rằng cô tin
nó có thể giúp cô hồi phục sau sinh.
Tần Thủy Hoàng, hoàng đế đầu tiên
của một nước Trung Hoa thống nhất, được cho là đã coi nhau thai là thứ có tác
dụng đối với sức khỏe từ 2.200 năm trước. Dưới thời nhà Thanh, triều đại cuối
cùng của chế độ phong kiến Trung Quốc, Từ Hy thái hậu cũng được cho là ăn nhau
thai để duy trì sự thanh xuân.
Một bài thuốc cổ truyền từ thời
nhà Minh (1368-1644) cho rằng nhau thai, cơ quan nối bào tử đang phát triển với
thành tử cung và có ý nghĩa quan trọng với sự sống của thai nhi, là thứ "vô cùng
bổ dưỡng" và "nếu được ăn trong thời gian dài thì có thể giúp đạt được sự trường
sinh".
Truyền thông Trung Quốc cho rằng
thói quen ăn nhau thai bắt đầu trở lại với đời sống của người dân nước này hơn
một thập kỷ qua. Một bệnh viện phụ sản ở thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang
Tô, cho hay khoảng 10% cặp vợ chồng mới có con nhận lại nhau thai để mang về sau
khi sinh.
Các công thức được trao đổi trên
mạng Internet nói về cách làm thế nào để nấu nhau thai. Một trang web nổi tiếng
về sức khỏe khuyên rằng nên ăn kèm với món súp, bánh hấp, thịt viên hay trộn với
các vị thuốc cổ truyền khác của Trung Quốc.
Trong khi việc bán các cơ quan
nội tạng bị cấm từ năm 2005, các viên thuốc có chứa nhau thai được xay thành bột
lại được bán hợp pháp tại các nhà thuốc ở Trung Quốc. Điều này cho thấy những
nhau thai được bỏ lại các bệnh viện bằng cách nào đó đã tự tìm được đường để tới
các công ty dược phẩm.
"Đó là một vị thuốc bổ để củng cố
'khí' và tăng lượng máu trong người", một thầy thuốc y học cổ truyền ở nhà thuốc
Lei Yun Shang ở Thượng Hải nói, với ý nhắc tới "sức sống" mà nhiều người tin
rằng luôn chảy trong cơ thể con người.
"Doanh số bán rất tốt. Về cơ bản,
mỗi khi chúng tôi có nguồn hàng, chúng đều được bán hết rất nhanh", một nhân
viên bán hàng của nhà thuốc nói trên cho biết.
Và không chỉ có những bà mẹ mới
sinh mới có nhu cầu ăn nhau thai.
Một người đàn ông giấu tên mới
lên chức bố ở Thượng Hải kể rằng những người thân của anh ta rất háo hức để thử
thứ dược phẩm khan hiếm này. "Vợ tôi và tôi khi đó vẫn còn ở trong bệnh viên,
nên họ đã ăn hết nó", người này nói.
Tuy nhiên, nhu cầu quá lớn cũng
tạo nên một thị trường đen ngày một phát triển với các bệnh viện, các nhân viên
bệnh viện và thậm chí cả các bà mẹ bán nhau thai theo cách vi phạm pháp luật
hiện hành ở Trung Quốc.
Năm ngoái, các nhà chức trách
Trung Quốc đã điều tra một bệnh viện ở thành phố miền nam Quảng Châu, thủ phủ
của tỉnh Quảng Đông, vì việc bán nhau thai với giá 20 Nhân dân tệ (khoảng 2 USD)
mỗi cái. "Họ (các y tá) nhận tiền và dùng số tiền này để mua bữa sáng", báo địa
phương Xin Kuai dẫn một nguồn tin.
Nhau thai còn được bán với giá
cao hơn ở các vùng khác của Trung Quốc, ví dụ như thành phố miền đông Tế Nam,
thủ phủ của tỉnh Sơn Đông, nơi những người bán đòi tới 300 Nhân dân tệ (khoảng
gần 50 USD) cho mỗi nhau thai. Hầu hết nguồn cung nhau thai là các bệnh viện, tờ
Jinan Times năm ngoái cho biết.
Tháng trước, hải quan Hàn Quốc
cho hay họ phát hiện những nỗ lực nhập khẩu trái phép khoảng 17.000 viên thuốc
dạng bao con nhộng được cho là có chứa thịt đã được nghiền thành bột của các
thai nhi đã chết.
Các chuyên gia cho rằng những
viên thuốc này có thể thực sự được làm từ nhau thai người, làm dấy lên những lo
ngại rằng việc buôn bán các cơ quan người ở Trung Quốc đã bắt đầu vươn ra ngoài
biên giới nước này.
Tuy nhiên, ngay tại Trung Quốc,
có không ít người phản đối việc ăn nhau thai. "Tôi biết nó có lợi cho sức khỏe,
nhưng ý tưởng ăn thịt người thì thật đáng ghê tởm. Tôi không thể làm việc đó",
kế toán Grace Jiang ở Thượng Hải nói. Jiang đã bỏ lại nhau thai ở bệnh viện sau
khi sinh hạ một cậu con trai.
Vừa qua, ở Hà Nội đã rộ lên việc người ta tìm
mua nhau thai người về chế biến thành thức ăn với niềm tin nó sẽ mang lại nhiều
sức khỏe, để kháng lại bệnh tật và nhất là nó sẽ giúp cho người sử dụng… trẻ lâu
không già!
Hà Nội: Nhau thai người được
bán như...thịt lợn
Nhau thai được bán với giá từ
150.000 đồng/lạng (loại khô) trở lên. Các hiệu thuốc đông y trở thành đầu mối
cung cấp nhau thai số lượng lớn.
Nhìn hình ảnh này, ai có đủ can đảm để dùng?
Ngày nào chẳng
có
Trong vai chủ một hiệu thuốc đông y đang có nhu
cầu gom hàng về bào chế, chúng tôi dễ dàng đặt mua được nhau tươi với số
lượng lớn, cung cấp thường xuyên tại các bệnh viện thuộc tuyến tỉnh, huyện.
Và theo khảo sát, mặt hàng nhau sấy khô vốn được đồn thổi như một linh dược
bồi bổ sức khỏe, có khả năng chữa bệnh cũng bán tràn lan tại các hiệu thuốc
đông y ở các thành phố lớn.
Qua nhiều mối quen biết giới thiệu, chúng tôi
gặp bà Thủy - người được giới mua bán nhau thai gọi là “trùm cò nhau” với
đầu mối mua bán nhau thai số lượng lớn.
“Chú chỉ cần mua cho tôi một bình đá lớn, có
nhau thai là tôi gom, được vài cân tôi gọi thẳng cho chú qua lấy, chỗ tôi
bán rẻ ấy mà…”, bà Thủy nói chắc như đinh đóng cột với chúng tôi. Người đàn
bà chừng ngũ tuần này làm nghề trông xe ngay trước cổng bệnh viên Đa Khoa
Sơn Tây (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Khi biết chúng tôi là khách sộp, từ xa bà
đã đon đả chào hàng.
Sau khi trao đổi phương thức gom hàng, cách vận
chuyển, giao hàng, tôi và bà Thủy đi đến thống nhất giá một kg nhau thai
tươi trao tận tay là 200.000-300.000 đồng tùy thuộc chất lượng và độ tươi
của nhau thai.
Nhau thai bán ra bên ngoài được cho là có nguồn gốc từ các bệnh viện
Bỏ ra số tiền hơn trăm nghìn, chúng tôi sắm cho
bà một thùng đá lớn phục vụ đựng nhau. Để tạo lòng tin hơn với mối hàng,
ngoài việc ghi số điện thoại, bà còn yêu cầu chúng tôi lấy máy cầm tay nháy
sang số di động của bà, thậm chí cho cả số điện thoại bàn của gia đình.
Khi chúng tôi vừa lùi xe ra khỏi bãi, nắm chặt
tay tôi, bà Thủy khẳng định: “Nhà có đứa em làm trong khoa sản ấy mà, ngày
nào chẳng có nhau, chị cứ gom lại cho chú, cứ khoảng 3–5 kg chị gọi điện lên
mà lấy nhé”.
Quả nhiên hơn một ngày sau, ngay từ sáng sớm,
chúng tôi đã nhận được điện thoại gọi lấy hàng của bà Thủy. Chừng hơn một
tiếng, chúng tôi đã có mặt ngay cửa bệnh viện. Mở thùng đá, bà Thủy lôi ra
một túi nilon màu xanh cùng nụ cười hớn hở: “Hai đêm tôi mới gom được gần
hơn một cân đấy, đợt này chị em họ sinh ít nên cũng không nhiều”.
Sao khi giao tiền như thỏa thuận, chúng tôi rời
bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, ngược lên khu vực bệnh viên Đa khoa Tam Nông
(huyện Tam Nông, Phú Thọ). Được đặt hàng từ trước, anh bảo vệ bệnh viện tên
H. vác cân ra cân ngay trước mặt chúng tôi và giao túi nhau gần 2kg.
Chỉ cần bỏ ra 200.000
đồng chúng tôi đã có được nhau thai dễ dàng
Vì khoảng cách quá xa, cùng với lượng hàng
không đều, mỗi lần gom được hàng anh H. đều cho vào ngăn đá chờ đến lấy.
Sau khi nhận tiền, anh H giải thích: “Hai ngày nay mới gom được mấy cái
này, thôi chú lấy tạm. Hàng nhau này nó cũng không đều, có ngày đến hàng
cân, nhưng có ngày chỉ vài lạng. Nhưng nhớ đừng nói bán nhé, nếu có gì
cứ bảo là hàng xin”.
Ngày hôm sau, theo hẹn từ trước, chúng tôi xuôi
xuống Viện 7 (TP. Hải Dương) song không thể mua được hàng, bởi theo khẳng
định của vị bác sĩ tên H., hàng nhau thai đã được công ty thuốc đông y đặt
mua hết rồi, nếu có chị chỉ xin cho một vài bộ thôi. Chị H. còn đưa ra lời
khuyên: “Em cứ về các tuyến huyện mà xin hay mua, họ bán đầy ấy mà”.
Hiệu thuốc
chuyên bán nhau thai khô
Sau những ngày bôn ba săn mặt hàng nhau thai
tươi tại một số bệnh viện tuyến huyện thuộc các các tỉnh, chúng tôi quay về
Hà Nội. Theo giới thiệu của mấy người bạn, tôi tìm đến phố Hải Thượng Lãn
Ông và phố Thuốc Bắc. Dọc hai bên phố, các tiệm thuốc đông y mọc lên san
sát.
Ghé vào một tiệm bán đông dược nhỏ gọn nằm cạnh
quán nước vỉa hè trên phố Hải Thượng Lãn Ông, tôi ngập ngừng hỏi mua nhau
thai khô. Chị chủ tiệm chẳng chút chần chừ: “Mua tử hà sa khô chứ gì! Lấy
nhiều không?”.
Sau khi bốc điện thoại trao đổi chừng 2 phút
với một người quen, chị ra giá luôn: “Chỗ tôi bán 150.000 đồng/lạng, chú lấy
mấy lạng?”. Tôi trả lời chị mua thử một gói về tẩm bổ, vì mấy bữa nay thấy
người mệt mỏi, nếu tốt sẽ quay lại mua nhiều hơn.
Ngồi quán nước đợi chừng 10 phút, sau khi hàng
đưa đến, chị chủ tiệm giao cho tôi một gói nhỏ có vài dòng chữ tàu cùng lời
khẳng định: “Ở đây cửa hàng nào chẳng có, nhưng hàng chỗ chị tốt lắm, khách
quen vẫn đổ xô đến chỗ chị ấy mà, chú cứ mang về dùng thử, nếu thấy khỏe ra,
giới thiệu đến cho chị. Hàng này chữa đủ loại bệnh, từ suy nhược cơ thể, yếu
sinh lý…”.
Cầm lạng nhau khô, thanh toán tiền, chúng tôi
ghé vào một cửa hiệu trên phố Thuốc Bắc tìm hàng. Vừa trao đổi, chủ hàng vừa
lôi ra từ dưới gầm quầy ra hai gói nhau sấy. “Loại tốt do Việt
Nam
sản xuất có giá 150.000 đồng/gói, còn loại của tàu thì rẻ hơn vài chục. Theo
anh, em cứ lấy hàng của mình dùng cho nó an toàn. Nếu uống được rượu em cứ
cho vào ngâm, còn không thì cho vào xay nhỏ, hòa với nước uống, đảm bảo
không khỏe không lấy tiền”.
Cầm hai gói nhau khô, tôi không khỏi phân vân
bởi chẳng biết công dụng của nó đến đâu, nhỡ ăn phải đồ nhiễm bệnh thì tiền
mất tật mang. Đó là chưa kể mặt hàng "tươi" vẫn hàng ngày tuồn ra từ các
tuyến viện ở các tỉnh, thậm chí nhiều người còn liều lĩnh chế biến trực tiếp
món ăn “kỳ cục” này.
Ăn nhau
thai coi chừng “bổ ngửa”!
Tuy không rầm rộ bằng, nhưng rất nhanh chóng,
chuyện "ăn nhau thai" lan vào TP HCM. Câu hỏi đặt ra là ăn nhau thai có bổ gì
không, và sẽ gặp phải những nguy hiểm nào khi ăn nó?
Tìm hiểu với những "cò" hàng ngày lượn lờ trước
cổng Bệnh viện (BV) Từ Dũ, BV Hùng Vương - là hai BV chuyên khoa Sản phụ lớn
nhất ở các tỉnh phía Nam, chúng tôi nhanh chóng được "cò" tiếp thị: "Nhau thai
tươi 300.000 đồng/kg, nhau đã sấy khô 1.500.000 đồng/kg. Bảo đảm nhau con so đã
qua xét nghiệm nên không sợ bệnh tật gì hết". Chúng tôi hỏi nhau thai ấy nguồn
gốc từ đâu, một "cò" tên Tuấn chỉ tay vào BV: "Trong đó chứ đâu. Mấy bả sanh
xong nửa tiếng là tụi tôi có liền".
Đem chuyện này trao đổi với một bác sĩ ở BV Từ
Dũ, anh cho biết: "Nhau thai được coi là bệnh phẩm và được xử lý theo đúng quy
định của ngành y tế nên làm gì có việc đưa nhau thai ra ngoài để bán". Để chứng
minh, anh cho chúng tôi tận mắt nhìn thấy quy trình xử lý nhau: Sau khi đứa bé
chào đời, bánh nhau bong ra, nó sẽ được cho vào một cái chậu rồi đưa ra ngoài
bằng một lối đi riêng. Tiếp theo, nó được đổ vào một cái thùng có dán nhãn rồi
được bảo quản trong tủ lạnh, nhiệt độ khoảng 50C nhưng những bánh
nhau có bệnh lý đều phải để riêng. Mỗi ngày 2 lần, bộ phận xử lý chất thải BV sẽ
lấy những thùng nhau này đem đi tiêu hủy theo quy định đối với bệnh phẩm là các
loại mô mềm, chứ không xử lý như những loại rác thải y tế thông thường như bơm,
kim tiêm, găng tay, bông băng, gòn gạc, chai lọ đựng thuốc, đựng dịch truyền….
Tại BV Hùng Vương, đội ngũ "cò" cũng cam đoan là
có nhau nhưng số lượng không nhiều, mỗi ngày chỉ chừng 1 - 2kg. Nếu muốn mua,
chúng tôi phải đặt tiền cọc, cho địa chỉ, số điện thoại rồi khoảng 1 tiếng, sẽ
có người giao tận nhà. "Cò" Thu, nói: "Anh mua nhau tươi thì nó là hàng đông
lạnh, còn nhau khô được đóng gói, hấp chân không (?!) đàng hoàng", cùng với lời
hướng dẫn sử dụng rất cụ thể: "Nếu là nhau tươi, anh rã đông rồi bóc sạch màng
nhau. Sau đó cho vào máy xay sinh tố với hột gà cùng một miếng gan heo. Xay nát
ra xong, anh chiên như chiên chả. Bảo đảm thơm như… patê gan, không có mùi tanh
gì hết, còn nhau khô thì tán ra thành bột, nấu cháo".
|
Một bánh nhau tươi với
cả cuống rốn. |
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xem "hàng", "cò" Thu
yêu cầu phải đặt cọc 100.000 đồng rồi bảo chúng tôi sang một quán cà phê cóc ở
xéo bên kia đường, ngay trước cổng Đại học Y Dược, ngồi đợi. Chừng nửa tiếng,
“cò” Thu xuất hiện với một người nữa. Người này móc trong túi xách ra một gói
nylon trong suốt, kích thước mỗi cạnh khoảng 20cm, in nhằng nhịt những hàng chữ
Tàu, bên trong là một khối sần sùi màu vàng nhạt nhìn giống như tàu hũ ky.
Khi chúng tôi hỏi xuất xứ của nó, chị ta đáp:
"BV đưa ra chứ đâu nhưng khi sấy khô, đóng gói hút chân không, phải dùng bao bì
như thế này để mấy "ổng" - ý nói các cơ quan chức năng - khỏi phát hiện". Bác sĩ
Hiếu, BV Hùng Vương, khẳng định: "Làm gì có chuyện nhau thai từ BV ra. Sau khi
sản phụ sinh xong, nhau sẽ được thu gom lại rồi đưa đi tiêu hủy. Ngay cả sản phụ
có muốn xin cái bánh nhau đó đem về nhà để chôn trong vườn nhà theo phong tục
thì cũng không được phép".
|
Nhau sấy khô xuất xứ
Trung Quốc. |
Vậy thì nhau mà "cò" BV rao bán là nhau gì? Nó
chỉ có thể là nhau động vật - chủ yếu là bò, cừu, được làm giả nhau người! Hoặc
nhập lậu từ Trung Quốc, hoặc cũng có thể từ một số cơ sở y tế tư nhân, các nhà
hộ sinh quận, huyện, do sơ suất, do thiếu trách nhiệm trong khâu xử lý, đã để
cho người khác lén lút lấy đem ra ngoài.
Nhau là gì?
Nhau thai - còn có những tên gọi khác như bánh
rau, thai bàn, thai y, thai bào, nhân bào, tử hà sa..., tên khoa học là placenta
hominis - là một cấu trúc sinh học hình thành ngay từ giai đoạn đầu của bào
thai. Nó bám vào thành tử cung và kết nối với thai nhi bằng dây rốn. Chức năng
của nhau thai có vai trò là một hạch nội tiết, sản sinh ra nội tiết tố hydrat
folliculin và oertradiol, chorionic gonadotropin, kích noãn tố F.S.H và kích tố
sinh hoàng thể L.H. Bên cạnh đó, nhau còn là một màng lọc giống như phổi để thai
nhi thở, tiêu hóa và bài tiết các chất bã, nó lấy oxy và chất dinh dưỡng từ máu
của người mẹ để nuôi bào thai.
Nhau thai giống như một miếng lá chắn, giúp bảo
vệ bào thai trước nhiều loại vi khuẩn nhưng nó lại không đủ vững chắc để chống
lại sự thâm nhập của các virus như virus cúm, virus gây bệnh rubella, virus HIV,
virus viêm gan siêu vi, xoắn khuẩn gây bệnh giang mai, vi khuẩn bệnh lậu… Chưa
kể trong giai đoạn mang thai, nếu bà mẹ hút thuốc lá hay uống rượu thì các chất
độc trong rượu và thuốc lá cũng có thể đi qua nhau thai khiến thai nhi chịu tác
động như đang uống rượu hoặc hút thuốc.
Về hình thể, nhau thai có dạng tựa như lá sen,
bề mặt mịn, sáng, có màu đỏ, dày từ 2 đến 4cm. Một nhau thai bình thường nặng
khoảng 400 - 600gr. Thành phần của nhau gồm nước, chất đạm, các axit amin, một
số vitamine và một số chất khoáng. Nhau thai được nối với thai nhi bằng cuống
rốn. Đó là một ống bằng gelatin, tròn trịa, màu trắng sáng. Nó dài trung bình từ
50 - 60 cm nhưng cũng có những cuống ngắn hơn hoặc dài hơn - đến 1,5m. Cuống rốn
có vị trí như một ống dẫn, là con đường đưa chất dinh dưỡng và ôxy từ cơ thể
người mẹ đến cho thai nhi. Đây cũng là hệ thống mạch máu hai chiều: Từ mẹ sang
con và ngược lại.
Với cấu trúc như thế, thành phần dinh dưỡng của
nhau thai cũng chẳng hơn một miếng thịt bò hay thịt gà có cùng cân nặng là mấy.
Trước kia, có một loại thuốc bổ làm từ nhau tươi tên gọi Filatop - là tên của
một bác sĩ đã sáng chế ra nó - sử dụng dưới dạng uống, dùng cho người suy nhược
cơ thể, trẻ con còi xương, chậm lớn nhưng chỉ một thời gian, nó biến mất trên
thị trường vì hiệu quả của nó hầu như chẳng được là bao - thậm chí còn thua xa…
thịt cóc!
Bên cạnh đó, lại còn có phương pháp "cấy nhau":
Người ta rạch lên da một đường nhỏ, nhét miếng nhau đã sấy khô vào rồi may lại.
Theo thời gian, các chất dinh dưỡng trong nhau sẽ từ từ tiết ra, giúp tăng cường
sinh lực. Nhưng cũng như loại thuốc uống Filatop, nó nhanh chóng bị đào thải bởi
bổ đâu chưa thấy, nhưng tỉ lệ nhiễm trùng do "cấy" lại… hơi bị nhiều!
Theo Đông y, nhau thai khô được coi như vị thuốc
bổ, tên là "tử hà sa", có vị ngọt mặn, tính ấm, công dụng bổ khí, dưỡng huyết,
ích tinh, thường dùng để chữa các chứng bệnh suy nhược, gầy yếu, đau nhức trong
xương, hen suyễn, ho ra máu, ra mồ hôi trộm, di tinh, liệt dương, phụ nữ thiếu
máu, muộn con, thiếu sữa sau khi sinh nở... Nhau được sấy khô rồi khi dùng,
người ta nghiền nó thành bột, nấu chung với cháo hoặc chưng cách thủy với óc
heo.
Hơn một thập niên trước, đôi lúc vẫn thấy một số
tiệm thuốc Bắc ở đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP HCM có bán loại thuốc bổ
gọi là "hà sa đại táo hoàn", trong đó nhau thai khô, tán thành bột rồi trộn
chung với một số vị thuốc khác nhưng hiện nay, "hà sa đại táo hoàn" đã biến mất.
Tuy nhiên, nếu muốn mua nhau thai đã sấy khô xuất xứ từ Trung Quốc thì bao nhiêu
cũng có, giá 110.000 đồng/gói, cân nặng khoảng 100gr...
Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Bay,
giảng viên Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM, thì hiện chưa có công
trình nghiên cứu khoa học nào về việc sử dụng nhau thai trong điều trị lâm sàng,
ngoài những kinh nghiệm có từ lâu đời và một số ghi nhận ban đầu trong thăm dò
ứng dụng trị liệu..
Ăn nhau thai gặp nguy hiểm gì?
Như đã nói ở trên, bởi màng nhau không thể ngăn
chặn được tất cả những loại vi khuẩn, virus nên khi ăn nhau - nhất là nhau tươi,
thì nguy cơ nhiễm viêm gan siêu vi, nhiễm giang mai, lậu, HIV là rất lớn. Bác sĩ
Nguyễn Giang Hồng, nguyên Trưởng khoa Sản, BV quận 3, nói: "Nếu lấy nhau thai
tươi cắt thành từng miếng rồi phơi bình thường hoặc sấy ở nhiệt độ không đảm
bảo thì khi sử dụng, việc nhiễm phải một số bệnh tật là điều hoàn toàn có thể
xảy ra".
Bác sĩ - Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng,
cho biết: "Các mặt hàng nhau thai dễ chứa nhiều mầm bệnh liên quan đến đường
máu, tình dục. Trong đó đặc biệt là một số bệnh thường gặp như giang mai, lậu,
viêm gan A, B, thậm chí cả HIV". Lương y Vũ Quốc Trung phân tích thêm: "Do nhau
thai chứa nhiều chất đạm nên nó là môi trường rất thuận lợi cho vi khuẩn ủ bệnh
và phát triển. Ngay cả nhau thai của những người phụ nữ khỏe mạnh cũng khó có
thể khẳng định là không mắc các bệnh liên quan đến máu huyết, tình dục", chưa kể
những bệnh về đường tiêu hóa như nhiễm ký sinh trùng, một số bệnh thuộc về di
truyền.
Theo y học, virus HIV có thể lây từ người mẹ bị
nhiễm HIV sang cho thai nhi qua con đường nhau thai. Tỷ lệ truyền virus HIV từ
người mẹ sang cho thai nhi là khoảng 13 đến 50% tùy thuộc vào tình trạng dinh
dưỡng và số lượng virus HIV trong máu của người mẹ. Như thế, khi ăn nhau thai
tươi, nhau thai phơi khô hoặc sấy thủ công thì khả năng nhiễm HIV qua những vết
xước ở lợi răng, khoang miệng hoặc niêm mạc dạ dày là hoàn toàn có thể. Riêng
với nhau khô, nguy cơ lớn nhất của nó là nhiễm khuẩn, nhiễm nấm mốc và đây là
một trong những nguồn gốc gây ra ung thư dạ dày.
Nhau thai là một loại chất thải y tế và không
được phép bán trên thị trường. Không riêng gì nhau thai mà tất cả các bộ phận
của con người loại bỏ ra cũng không được phép bán, kể cả nhập khẩu về bán. Chưa
hề có một văn bản nào của Bộ Y tế cho phép bán hoặc nhập khẩu nhau thai trong
lúc nhau thai, cả tươi lẫn khô vẫn được chào bán công khai trên thị trường với
những lời quảng cáo "có cánh" mặc dù người bán chưa chắc đã biết rõ nguồn gốc
của cái nhau, còn người mua lại dễ dàng tin vào những lời chỉ dẫn tào lao vô
căn cứ…
Vũ Cao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét